![]() Người dân xếp hàng làm thủ tục cấp đổi GPLX theo mẫu mới tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam. "Cò" GPLX vẫn có đất diễn Những ngày đầu tháng 12-2014, tôi đến Phòng quản lý phương tiện giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), tại địa chỉ 16 phố Cao Bá Quát (Ba Đình, Hà Nội) để làm thủ tục cấp đổi GPLX ô-tô. Có mặt tại đây lúc 13 giờ 45 phút, tôi vào khu vực cấp đổi GPLX để xếp hàng, thì được hướng dẫn phải ra cổng cơ quan để lấy số thứ tự. Theo số thứ tự này, tôi xếp sau hơn 30 người. Tại đây có hai cửa tiếp nhận hồ sơ. Theo tính toán, cứ mỗi hồ sơ trung bình thực hiện trong khoảng năm phút, thì chỉ hơn một giờ đồng hồ là đến lượt tôi. Tuy nhiên, tôi phải đợi ba giờ mới đến lượt làm các thủ tục cấp đổi GPLX. Lúc này đã gần 17 giờ. Trong quá trình chờ đợi, tôi nhận thấy quy trình xếp hàng để đăng ký cấp đổi GPLX ô-tô tại đây còn nhiều bất cập, và đây là kẽ hở để "cò" GPLX hoạt động. Theo quy định, mỗi người đến nộp hồ sơ chỉ có thể lấy một phiếu để xếp hàng, tuy nhiên tại đây, bất cứ ai cũng có thể lấy phiếu. Tại cửa nộp hồ sơ cấp đổi GPLX, khi đến lượt, nhân viên sẽ gọi thứ tự theo số phiếu đã lấy ở ngoài cổng, sau đó sẽ kiểm tra hồ sơ của từng người và chụp ảnh để in vào GPLX. Tuy nhiên, có nhiều người vừa đến, không phải xếp hàng mà được "cò" dẫn thẳng vào làm thủ tục đăng ký. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu khi gọi đến số thứ tự của ai, thì người đó mới đến ô cửa làm các thủ tục, nhưng tại ô cửa này, thường xuyên có hai, ba người đứng chờ. Nhiều trường hợp, đã làm xong các thủ tục, đáng lẽ phải gọi số thứ tự tiếp theo, thì cán bộ làm thủ tục lại không gọi, mà nhồi thêm hai, ba trường hợp khác "chèn" vào. Tại một số quán nước vỉa hè trước cổng đơn vị này, tôi được một số thanh niên đề nghị làm "hộ" hồ sơ cấp đổi GPLX. Những ngày đầu tháng 3-2015, tôi tiếp tục đến Phòng quản lý phương tiện giao thông tại 16 phố Cao Bá Quát để quan sát tìm hiểu việc cấp đổi GPLX, thì vẫn thấy có tình trạng nêu trên. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, do có rất nhiều người đến làm thủ tục cấp đổi GPLX, dẫn đến tình trạng quá tải. Nhiều người do quá bận, không có thời gian chờ đợi, không muốn xếp hàng và không lo hồ sơ của mình bị cán bộ "soi", đã chọn phương án thuê "cò". Để giải quyết dứt điểm tình trạng "cò" GPLX, Phòng quản lý phương tiện giao thông các tỉnh, thành phố nên cử người tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ mới phát phiếu. Như vậy, hiện tượng "cò" GPLX sẽ không còn đất "diễn", giảm phiền hà cho người xếp hàng. Giảm thời gian cấp đổi GPLX Từ ngày 1-12-2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thí điểm cấp đổi GPLX qua mạng. Người có nhu cầu đổi GPLX chỉ cần truy cập vào trang web: dichvucong.gov.vn và đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn. Chậm nhất sau ba ngày đăng ký, nếu đối chiếu với hồ sơ dữ liệu lưu trữ đúng và đầy đủ, người dân sẽ được hẹn đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam để cấp đổi GPLX. Khi đến, người dân mang theo GPLX cũ, chứng minh nhân dân và giấy khám sức khỏe để được xác thực hồ sơ. Sau đó, người dân chụp ảnh và nộp lệ phí tại chỗ và chờ tối đa khoảng hai giờ để nhận GPLX mới. Để tạo thuận lợi cho người dân, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn có quy định miễn giấy khám sức khỏe đối với người cấp đổi GPLX mô-tô và những người có GPLX ô-tô vẫn còn thời hạn sử dụng từ ba tháng trở lên. Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cho biết: Việc cấp đổi GPLX qua mạng không những giảm chi phí đi lại cho người dân, mà còn giảm phiền hà và các tiêu cực khác. Trước đây, người dân có nhu cầu cấp đổi GPLX từ thẻ giấy sang thẻ vật liệu PET phải mất hai lần đến xếp hàng làm thủ tục chờ đợi, chưa kể những lần đi lại vì hồ sơ chưa hợp lệ và khoảng năm ngày sau mới nhận được GPLX mới. Với việc cấp đổi GPLX qua mạng, người dân chỉ phải đến cơ quan cấp đổi một lần duy nhất. Sau bốn tháng thí điểm đổi GPLX từ thẻ giấy sang thẻ nhựa PET qua mạng in-tơ-nét, đã có hơn 1.000 trường hợp được cấp đổi thành công. Trung bình, mỗi ngày có 50 người đăng ký cấp đổi GPLX qua mạng. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thiện quy trình cấp đổi GPLX qua mạng và tập huấn chuyển giao công nghệ cho sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố từ ngày 28-3-2015. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ triển khai cấp, đổi GPLX qua mạng trên phạm vi cả nước trong tháng 6-2015. Theo kế hoạch, thời hạn cuối để cấp đổi GPLX ô-tô theo mẫu mới là ngày 31-12-2015; còn đối với xe máy là ngày 31-12-2020. Tính đến nay, cả nước đã cấp đổi được gần ba triệu GPLX ô-tô trong tổng số bốn triệu GPLX (đạt 72%). Đối với xe máy, đã cấp đổi được bốn triệu trong tổng số 30 triệu GPLX (đạt 13%). So với làm thủ tục cấp đổi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng GPLX cấp đổi từ việc làm thủ tục qua mạng vẫn ít hơn, nhưng kết quả triển khai cho thấy những tiện ích rõ rệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt thủ tục cho người dân và cơ quan giải quyết. Hầu hết những người đến làm thủ tục tại Phòng cấp đổi GPLX (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đều đồng tình với chủ trương cấp đổi GPLX qua mạng. Việc đăng ký cấp đổi GPLX theo mẫu mới qua mạng rất nhanh gọn và thuận tiện. Song nhiều người dân vẫn chưa biết có dịch vụ này. Đề nghị các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền để người dân biết và thực hiện. "Việc cấp đổi GPLX qua mạng mang đến sự thuận tiện cho người dân. Không còn cảnh chờ đợi, thay vào đó người dân được chủ động đặt lịch hẹn giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp đã được hẹn, nhưng không đến làm thủ tục cấp đổi GPLX". VÕ MINH TUẤN Phó Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam "Mức phí cấp đổi GPLX qua mạng bằng với mức cấp đổi trực tiếp, với 135.000 đồng/lần, vừa giải quyết dịch vụ theo cách mới, vừa ngăn chặn tiêu cực. Việc cấp đổi GPLX qua mạng đang được thực hiện ở Tổng cục Đường bộ Việt Nam". NGUYỄN ĐỨC TRỌNG (Vụ Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam) "Sau khi lên mạng kê khai hồ sơ, tôi được hẹn đến làm thủ tục đổi GPLX. Chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ, kể từ khi cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, chụp ảnh thẻ và thu lệ phí, tôi đã nhận được GPLX mới. Việc chuyển đổi GPLX qua mạng rất nhanh, giảm nhiều chi phí so với trước đây. Ngoài ra, việc cấp, đổi GPLX qua mạng bảo đảm tính minh bạch, giảm bớt phiền hà, tránh tình trạng "cò" ở những nơi cấp đổi do người có nhu cầu làm thủ tục quá đông như trước đây". |